giao-thuong-voi-trung-quoc-tien-trach-ky-hau-trach-nhan

Giao thương với trung quốc: “tiên trách kỷ hậu trách nhân”

Admin 11/11/2020

Tiên trách kỷ hậu trách nhân, chúng ta tham rẻ mà câu chuyện không hẳn thế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhìn nhận một khía cạnh liên quan đến các doanh nghiệp Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Sau phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 23/5 với nhiều phát biểu quan ngại về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc, hành lang Quốc hội ngày hôm sau vẫn tràn ngập các câu hỏi về giải pháp dành cho các vị có chuyên môn sâu về kinh tế, tài chính.

Với câu hỏi làm gì để tăng nội lực, giảm lệ thuộc kinh tế nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn đưa ra khá nhiều kiến giải.

Mấy năm gần đây, do khó khăn, tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế, cộng với yếu tố nội tại có nhiều bất cập nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là khu vực nước ngoài. Điều đó cũng phản ánh doanh nghiệp trong nước hiện một mặt đang khó khăn, tỷ trọng đóng góp của họ cũng đang giảm đi, ông Ngoạn nói.

Thực tế nói trên, theo phân tích của ông Ngoạn, đang làm mất đi tính tự chủ của Việt Nam. Nói về kinh tế thuần khiết thì nó không tạo ra sự ổn định kinh tế bền vững, lâu dài. Phát triển quá lệ thuộc bên ngoài bằng xuất khẩu mà không dựa vào thị trường trong nước thì cũng dẫn đến mất  cân đối, ổn định.

Giải pháp để giảm nhập siêu của Việt Nam, nhất là nhập khẩu từ Trung quốc quá lớn, theo quan điểm của ông Ngoạn quan trọng vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế.

Nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tới hơn 30% nhưng đồng thời nhập từ Trung Quốc nhiều máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất như dệt may, da giày. Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu cả những mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất được. Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng ta toàn hoàn có thể chủ động được. Không nhất thiết phải nhập cả những mặt hàng đơn giản như tăm tre, đũa…, ông Ngoạn nói.

Cũng liên quan đến băn khoăn vì sao hàng trong nước sản xuất được nthưng vẫn nhập nhiều từ Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng khi gia nhập WTO và lại tham gia TPP nữa thì phải chấp nhận một nền kinh tế mở thị trường mở tự do.

“Chúng ta chỉ có cách xử lý bằng thuế nhưng mà thuế thì cũng theo một quy định chung, chứ không phải muốn tính sao thì tính”, ông Hiển phân tích.

Vẫn theo phân tích của ông Hiển thì việc lập rào kỹ thuật thì cũng cần thiết nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định, bởi mình làm thế nào thì người ta cũng có thể làm đúng như thế với mình.

“Người ta gọi là đối ứng, anh xử lý tôi thế này thì tôi xử lý anh thế kia. Trong khi Việt Nam mới vào kinh tế thị trường cái gì cũng yếu hơn nên chỉ khi nào mình mạnh thì mới nói được”, ông Hiển nhấn mạnh.

Cùng trả lời câu hỏi về lập hàng rào kỹ thuật với hàng kém chất lượng của Trung Quốc, đại biểu Vũ Viết Ngoạn cho rằng cần phải nghiên cứu để khi áp dụng không ảnh hưởng đến chính chúng ta. Cùng với đó, phải thay đổi kết cấu hàng hóa của Việt Nam để đảm bảo chuẩn mực.

Trong một nền kinh tế bình thường thì những quan hệ bạn hàng cũng chỉ là mục đích lợi ích là chính. Tại sao lại không nghĩ tìm thị trường khác ngoài Trung Quốc, ông Hiển đặt vấn đề. Theo ông, quan trọng nhất là Việt Nam phải có chiến lược của chính mình.

Điều rất đáng tiếc là chúng ta cứ liên tiếp gặp lại các bài học cũ. Ví dụ như chuyện dưa hấu bao nhiêu năm cứ đến mùa lại xếp hàng chờ ở cửa khẩu mà năm nào cũng như vậy. Như thế là tại chúng ta, ông Hiển sốt ruột.

Các doanh nghiệp  Trung Quốc vào Việt Nam mang theo công nghệ lạc hậu và cả nhân công của họ, trong khi Việt Nam hứng ô nhiễm môi trường. Nhưng phản ứng của Việt Nam lại mờ nhạt? Câu hỏi tiếp theo được đặt ra.

Ông Hiển đáp, chúng ta đã nhận ra và cũng đã từng xử lý, như xi măng lò đứng công nghệ của Trung Quốc cũng đã thấy rồi. Nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân. Chúng ta tham rẻ mà câu chuyện không hẳn thế. Mọi mua bán đều có giá của nó cả, nhất là công nghệ trong khi nền kinh tế của ta chưa mạnh.

Không bình luận về câu chuyện có lợi ích nhóm trong việc nhập công nghệ “bãi rác” hay không, song ông Hiển cho rằng các doanh nghiệp muốn lựa chọn thiết bị rẻ tiền, giá ưu đãi nhưng biết đâu lại lựa chọn nhầm.

Có thể thực tế không được như lời quảng cáo. Ví như là quảng cáo thuốc chữa được bệnh này bệnh kia nhưng cuối cùng phát hiện chỉ là thực phẩm chức năng, chết không chết được mà sống chẳng ra sao, Chủ nhiệm Hiển ví von.

Tự chủ về kinh tế, đó là vấn đề mà theo đại biểu Ngoạn thì không phải bây giờ mới đặt ra mà trong bối cảnh mới nó trở nên rõ nét hơn.

“Về mặt nhận thức ta nhận thức lâu rồi nhưng nó chưa thẩm thấu vào bộ óc của từng cá nhân, tổ chức, người chịu trách nhiệm cụ thể ở từng cấp trong hệ thống chính trị của chúng ta”, ông Ngoạn nhìn nhận.

Theo Nguyen Ha - Vneconomy